Ngày nay, việc các đôi uyên ương yêu nhau, trong giai đoạn tìm hiểu nhau, đã sẵn lòng “tạm ứng” trước khi thành hôn, không còn là chuyện hiếm. Trường hợp này, dễ hiểu, đêm động phòng hoa chúc chỉ còn mang tính… thủ tục.
Lẽ thường, nhiều người nghĩ, đêm tân hôn “sự đã rồi” cùng lắm mất đi sự nóng hổi, không hôm nay thì ngày hôm qua, nhưng thực tế, sự thể không dễ trôi qua êm ả.
Hiển nhiên, cái giá trước tiên là sự hụt hẫng và buồn tẻ. Tân hôn là đêm “pháo hoa khai mở hôn nhân”, mang trong nó tất cả sự bỡ ngỡ, mới mẻ, khám phá và dâng hiến.
Rõ ràng, với những đôi “ăn cơm trước kẻng”, những món quà rực rỡ này không được trao trong đêm chính thức mở cửa cuộc sống lứa đôi
Chàng đánh mất cảm giác là người đàn ông khai sơn phá thạch, nàng trắng tay sự tự hào dâng hiến.
Hiển nhiên, tất cả cảm giác trên, đôi bên đều đã thủ đắc trong “đêm động phòng” danh không chính, ngôn không thuận trước đó, nhưng hoàn toàn không thể sánh với tâm trạng và không gian của đêm tân hôn chính thức.
Không nên đánh giá thấp cảm giác “mất hứng” này, bởi nó đang gánh sứ mạng mở đầu hạnh phúc gia đình. Người ta còn cảnh báo hiện tượng tân nương dường như có cảm giác mình không còn… “trinh bạch” trong đêm tân hôn, dù trước đó nó đã được “nói có sách mách có chứng” chỉ lệch thời gian và không gian mà thôi.
Đêm động phòng “thủ tục” còn có thể gây phiền về phương diện “hành chính” cho đôi tân lang tân nương.
Không đến độ cực đoan như việc sáng hôm sau đôi uyên ương phải “trình báo” mảnh vải trắng trải giường, nhưng tâm lý xấu hổ “ăn cơm trước kẻng” không thể coi thường, nhất là với những bạn trẻ hấp thụ nền giáo dục nghiêm cẩn hay nhận được sự tin tưởng lớn của gia đình.
Đêm động phòng “đã rồi” còn tiềm ẩn nhiều mối nguy giáng trúng chính gối chăn. Lúc trao thân cho nhau với tâm thế có hơi hướm “ăn xổi ở thì” thì những khiếm khuyết tình dục bên này hay bên kia dễ được đối tác thông cảm cho qua.
Sự rộng lượng này không còn hào phóng khi sự ràng buộc qua hôn nhân chính thức có hiệu lực. Lúc này, cái dở của chàng hoặc nàng tự khắc trở thành… vấn đề rõ mồn một.
Chẳng hạn, khuyết điểm “thiếu sức bền” của chàng ngày trước được nàng thể tất vì nhiều lý do như chiều chàng, níu giữ tình yêu… Nay khi chính thức chung thuyền thì đủ loại trách nhiệm làm chồng, làm cha, thừa sức giật đổ mọi bạo biện.
Hiển nhiên, nhiều đôi uyên ương sẽ cười “gì mà nghiêm trọng thế?”. Có thể trong mắt nhiều người, tình dục cần được “cởi trói”, nghĩa là cũng không nên cầm lên đặt xuống đêm tân hôn thái quá.
Lẽ thường người ta hay đánh giá thấp sự việc khi nó chưa xảy ra. Từng có không ít cô gái từng “khí phách” xem đêm tân hôn nhẹ như lông hồng, nhưng khi đối mặt bằng xương bằng thịt với nó mới thực sự bấn lên.
Lại thêm một mặt trái xù xì của tình dục trước hôn nhân. Những ai đang nghĩ đến việc “yêu hết mình”, có lẽ nên tìm thêm ở đây sự cân nhắc.
Cả khi kết có hậu, tức đôi bên gắn bó với nhau bằng hôn nhân, thì việc “tạm ứng” thời chưa góp gạo thổi cơm chung vẫn có những di chứng của riêng nó.