[1] Những người càng giống nhau càng dễ đến với nhau
Đúng. Trái với lý thuyết cho rằng càng khác nhau càng bị hút lại gần nhau, những người trong cùng độ tuổi, cùng môi trường sống, nhà càng gần nhau, càng có những điểm tương đồng trong tính cách, trong quan niệm đạo đức, xã hội, chính trị thì càng có nhiều khả năng đến với nhau.
Và bạn biết không, điều ngạc nhiên nhất là khoa học đã chứng minh nếu tên hai bạn phát âm cũng giống nhau thì khả năng ấy lại càng lớn. Thống kê tại Mỹ cho thấy cậu tên Joseph dễ lấy cô Josephine, ông Smith sẽ lấy bà Smith. Từ đó suy ra, nếu bạn tên Hà mà trong lớp có anh tên Hoàng, khả năng 2 bạn thành đôi là rất lớn.
Một cách vô thức, chúng ta thích những gì gần gũi với mình. Hai nhà khoa học thuộc trường đại học Ontario, Canada đã thực hiện một nghiên cứu với những cặp sinh đôi và đi đến kết luận: các nhân tố như sự tương đồng về môi trường sống, chuỗi gen, các yếu tố cá nhân (tính cách, sở thích, thói quen) ảnh hưởng đến quyết định chọn bạn của họ lần lượt ở mức 12%, 34% và 54%.
[2] Đàn ông luôn là người chủ động
Sai. Thực tế chứng minh điều ngược lại. Để tìm hiểu thái độ của 2 người khác phái khi trò chuyện, nhà khoa học Úc Karl Grammer đứng sau một tấm gương trong, quan sát 100 sinh viên tình nguyện trò chuyện từng đôi một trong vòng 10 phút. Kết quả cho thấy, phụ nữ tỏ ra dễ gần, thậm chí còn có khuynh hướng cố tỏ ra quyến rũ với người bạn đối diện.
Sau 5 phút nếu không nhận thấy có biểu hiện xấu từ người ấy, phụ nữ thường cho thấy những dấu hiệu chứng tỏ sự chủ động như cười, gật đầu tán thành... Phái mạnh, ngược lại, không cố gắng tỏ ra dễ gần hoặc quyến rũ.
Các nhà khoa học giải thích, bản năng của phái mạnh khiến họ nghĩ phụ nữ luôn bị mình cuốn hút và phụ nữ vì thế không có cách nào khác là chủ động hơn trong các cuộc trò chuyện để chứng tỏ điều ngược lại.
[3] Phụ nữ thích những anh chàng ngỗ ngược
Điều này còn tùy thuộc vào mục đích. Mặc cho những tính xấu mà phụ nữ gán cho các đấng mày râu: không chung thủy, bạo lực, cứng đầu, phái yếu vẫn thích phiêu lưu với những người đàn ông như vậy.
Một nghiên cứu của trường đại học Michigan năm 2006 trên 800 phụ nữ đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên với một mối quan hệ lâu dài và ổn định, phụ nữ lại thích những người đàn ông đáng tin cậy, không thích dấn thân vào các cuộc phiêu lưu tình cảm, vì điều đó chứng tỏ họ là người chồng tốt, người cha tốt.
[4] Tình yêu khiến chúng ta mù quáng
Chính xác. Kết luận của nhà tâm lý học người Mỹ, Faby Gagne, 98% người được hỏi miêu tả người mình yêu: đẹp hơn, thông minh hơn và hài hước hơn mức bình thường.
Glenn Geher thuộc đại học New York cho biết: "161 người được hỏi đều cho rằng nửa còn lại của mình rất đáng yêu, đáng tin cậy, và rất chu đáo, đồng thời cho rằng người yêu cũ thật là khó ưa và khó chịu".
Theo nhà nhân loại học người Mỹ, Helen Fisher, 61% đàn ông và 64% phụ nữ được hỏi đều khẳng định yêu "tuyệt đối" nửa còn lại của mình. Geher kết luận: "Khuynh hướng đặt người mình yêu lên bục cao sẽ khiến các đôi yêu nhau càng bền chặt".
[5] Hài hước, yếu tố quan trọng
Đúng. Lee Ann Reninger và Monica Moore, 2 nhà tâm lý học người Mỹ khẳng định: phái mạnh sẽ có sức hấp dẫn hơn trong mắt phụ nữ khi họ có khiếu hài hước. Và đàn ông cũng thích bắt chuyện với những phụ nữ hay cười.
Theo Lee và Monica, khả năng hài hước chứng tỏ sự thông minh, còn sự thông minh lại chứng tỏ một người có vị thế trong xã hội. Vì vậy phụ nữ thích những anh chàng hóm hỉnh.
Phái mạnh cũng muốn khẳng định sức quyến rũ của mình. Còn điều gì khiến họ nổi bật hơn khi một người phụ nữ bật cười với câu chuyện của họ? Nghiên cứu này ngược lại cho thấy khả năng hài hước không phải là yếu tố then chốt để phụ nữ chiếm được cảm tình của người mình yêu.
[6]Tất cả đàn ông đều nói dối
Đúng, và phụ nữ cũng vậy, nhưng không phải cùng một cách. Nhà tâm lý học Maureen O"Sullivan đã lập ra 1 danh sách gồm 14 lời nói dối "chiến lược" nhằm mục đích mua vui và yêu cầu 92 sinh viên trả lời câu hỏi: "Đó là lời nói dối của đàn ông hay phụ nữ?".
Nghiên cứu cho thấy phần lớn phái mạnh đều tìm cách quanh co về thu nhập, tình yêu và ý định kết hôn. Phái đẹp lại thường nói dối về sự hoàn hảo, về vẻ đẹp, sự thông minh của người mình yêu. Sau đó các nhà khoa học yêu cầu mỗi người tự đánh giá "thiên hướng" nói dối của bản thân.
Kết quả: phụ nữ thành thật hơn đàn ông. Maureen khéo léo: "Trong vấn đề này, tôi nghĩ không hẳn là cánh mày râu nói dối nhiều hơn, tôi chỉ nghĩ rằng phụ nữ giỏi thuyết phục người khác tin vào lời nói dối của họ hơn".
[7] Phái mạnh tự cho mình quyến rũ
Cánh mày râu cho rằng hành động tiếp cận một cô gái chỉ đơn giản là trên tinh thần "bạn bè thân ái" mà không thừa nhận rằng hành động đó che đậy ý muốn quyến rũ cô ấy. Tại sao à? Theo nhà tâm lý học Mỹ Martie Haselton: "Trò chơi quyến rũ này ẩn dấu 2 nguy cơ: hoặc bạn nhầm tưởng cô ấy thích bạn, hoặc bạn không dám thừa nhận bạn đang thích cô ấy".
Phái mạnh thường có khuynh hướng nghiêng về nguy cơ thứ nhất. Bởi vì, quá lắm thì cũng chỉ giống như thiết bị chống cháy hụ còi inh ỏi khi dò thấy khói (= cô ấy thích mình) trong khi trên thực tế chỉ là chút khói thuốc thoảng qua (= mình nhầm), nguy cơ thứ nhất có vẻ đỡ thảm hơn nguy cơ thứ 2.
Về phần phụ nữ, họ vẫn luôn không có niềm tin với những anh chàng thích buông lời mật ngọt.
[8] Tình yêu chẳng dính dáng gì đến tiền nong
Ơ ngược lại, có chứ! Ăn uống, quà cáp, gặp gỡ bạn bè 2 bên... Nghiên cứu của tờ L"Express tháng 2-2007, mỗi người Pháp chi 466 euro (15 triệu đồng) mỗi năm cho chi phí tình yêu.
Phần "đau khổ" được ưu tiên cho đàn ông nhiều hơn với 623 euro/năm, phụ nữ 356 euro/năm. 85% đàn ông trả tiền cho hoá đơn của lần hẹn hò đầu tiên, 43% phụ nữ sẵn sàng cho việc chia sẻ hoá đơn đó.
[9] Ấn tượng đầu tiên mang tính quyết định
Trong vòng 30 giây đầu tiên, 45% phụ nữ đã nhanh chóng "xử lý dữ liệu" và ra quyết định có nên tiếp tục gặp anh chàng đối diện hay không? Nghiên cứu năm 2006 của giáo sư tâm lý Richard Wiseman trên 100 người cho thấy, chỉ có 22% phái mạnh có đủ khả năng "xử lý dữ liệu" nhanh đến vậy.