Con nhà nghèo, lại ít học, nhan sắc kém, miệng lưỡi thiên hạ đôi lúc trở thành một thứ vũ khí, như dao đâm, tên bắn cứ găm vào trái tim chị mỗi lúc có ai rỗi bàn tán về chị.
Người đời bảo chị như “quả bom nổ chậm trong nhà bà Tư”, chị là “hàng tồn kho còn lại của thời bao cấp”. Chị buồn, nỗi buồn hiện trên đôi mắt có nhiều vết chân chim.
Người ta bảo chị trông già, khô khan, thiếu nữ tính. Cũng đúng. Con gái nhà nông thay bố mẹ nuôi đàn em lớn khôn thành đạt, một ngày chợt nhận ra mình tàn phai nhan sắc, quá lứa lỡ thì âu cũng chuyện thường. Chị giàu đức hi sinh, chỉ biết nghĩ cho ông bà Tư và các cô các cậu em chị. Nếu không như vậy thì cái năm lụt to nhất từ trước đến nay đi qua làng, chị và anh ấy đã làm đám cưới sau những ngày ngồi nhờ trên gác lửng của nhà anh ấy để trú lụt rồi. Nhưng số phận lại đẩy chị đi chỗ khác, chị lần lữa vì lo cho người bố bệnh tật, em út lại còn nhỏ nên anh ấy đã đi Nam làm ăn. Khi đi hứa sẽ trở về làng làm đám cưới với chị, nhưng đến giờ anh ấy không trở về. Chị bảo anh ta đã có vợ trong kia rồi…
Năm 35 tuổi, việc chồng con đối với chị không còn ý nghĩa gì nữa. Mẹ chị chẳng còn buồn giục con chọn ai đó, dù làm lẽ, để kiếm mụn con. Chị bảo sẽ ở vậy với bố mẹ, ở cho đến khi nào bố mẹ không còn trên đời này nữa thì lại ở một mình. Cũng lắm người ở một mình mà vẫn sống được và vui vẻ đấy thôi. Người ở làng giờ không còn buông lời đàm tiếu mỗi khi gặp chị. Họ nhận thấy ở chị một cô gái đảm đang, hiếu thảo đôi mắt phảng phất nét u buồn.
Tin con trai ông Cả thôn trưởng mới ra tù làm rộn cả xóm. Ngày Khúc (con ông Cả) vào tù thì ông Cả còn khỏe lắm, đợi con mãi mà không đợi được, đến khi con ra tù thì bố mất, đúng là tội nghiệp. Hơn 40 tuổi, anh Khúc chưa làm gì được cho gia đình, giờ trở về quê anh như người lạc loài, bỡ ngỡ dù đang đứng trên mảnh đất quê hương. “Ai như anh Khúc đấy không?” - Người ta ngạc nhiên hỏi thăm khi thấy anh chăm chỉ tay cày tay cuốc.
Những đêm trăng sáng, trên con đê làng người ta thấy đôi trai gái ngồi bên nhau nhìn ra dòng sông. Đó là anh Khúc và chị Loan. Tin họ yêu nhau đã đồn khắp làng. Từ trẻ em đến người già đều biết và bình luận về tình yêu của họ. Bà Tư mừng quá, cười rơi nước mắt: “Cũng may ông trời còn thương nó, chứ để nó một mình cô quạnh, tui đau lòng lắm”.
Họ cưới nhau, lễ vật đơn giản, nhanh gọn như cuộc tình của họ. Ngày cưới, cô dâu đẹp, cái đẹp của hạnh phúc vừa bừng dậy mà bấy lâu tưởng như mất hút. Ngày về nhà anh Khúc, cô khóc bảo rằng ai sẽ chăm nom bố mẹ. Bà Tư cũng khóc, khóc vì hạnh phúc lớn đã đến với con.
Họ sống với nhau được 5 năm, có một đứa con trai và một đứa con gái. Thế rồi cái tin anh Khúc chết vì HIV - AIDS truyền còn nhanh hơn cả cái tin họ cưới nhau vài năm trước. Ai cũng biết, đi đâu họ cũng bàn tán và chì chiết.
Chị Loan bế con về nhà mẹ, căn nhà quạnh vắng khi hai ông bà đã thành người thiên cổ. Chị Loan một mình nuôi con. Cả làng thương chị nhưng chẳng ai dám đến gần. Con chị lớn dần trong tình thương của mẹ, riêng chị thì ngày càng héo hon.
Ai đó bảo đi qua nỗi đau, bất hạnh, sẽ có ngày được hạnh phúc. Chị nói cương quyết với tôi như thế. Tôi cũng tin như thế, dù mong manh.