Trong đời thẩm phán N.M.A (Tuyên Quang) với hơn 20 năm trong nghề, từng chứng kiến không biết bao nhiêu vụ án ly hôn, nhưng có những vụ ly hôn đình đám nổi tiếng khắp tỉnh bởi tính chất bi hài của nó đọng lại trong ông những cảm xúc ám ảnh dai dẳng.
Lẽ thường, những phiên tòa ly hôn diễn ra chóng vánh, nhanh chóng bởi khi đã đưa nhau ra tòa, cả hai bên chẳng còn ràng buộc bất cứ thứ tình cảm nào. Từ tài sản đến con cái đều được họ phân chia rạch ròi theo đúng trách nhiệm, bổn phận cần thực hiện mà luật pháp quy định.
Tuy nhiên, có những vụ ly hôn đến giờ nhắc lại vẫn khiến ông cười chảy nước mắt, đằng sau đó là sự nuối tiếc cho những cặp vợ chồng một thời nên nghĩa nên duyên.
Cách đây chừng 3 tháng, thẩm phán A từng chứng kiến một vụ ly hôn của vợ chồng anh T, chị M. Nghe anh T trình bày, vợ anh vốn là một cô gái đỏng đảnh, từ ngày yêu nhau đã thế rồi. Nhưng anh nghĩ rằng khi lập gia đình, có con và ràng buộc nhau bởi rất nhiều thứ M sẽ trưởng thành và chín chắn hơn.
Vậy mà từ khi cưới, mới được hơn 4 năm mà tính ra khoảng gần ba chục lần cô ấy viết đơn ly dị, đòi bỏ về nhà ngoại. Khi chưa có con, M đi về một mình. Lúc có con, cô ấy ôm cả con đi, có lần T ngăn được bước chân của vợ, còn đa phần cô ấy bỏ về nhà ngoại.
Anh T buồn rầu: “Chúng tôi yêu nhau, điều đó tôi không hề phủ nhận nhưng phải cái khắc khẩu và ngang bướng. Hai vợ chồng không ai chịu ai”. Rồi anh đưa mắt sang nhìn chị M – người phụ nữ ngồi hàng ghế bên cạnh, mặt lạnh tanh không động đậy chút cảm xúc. Mọi chuyện càng tệ hơn khi chị M có thói quen hay duy diễn.
Với anh T, đó là những suy diễn hết sức vô lý, ngớ ngẩn, khó hiểu còn chị M cho rằng đó là những suy luận logic, chặt chẽ. Ví dụ một lần hai vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc ngổn ngang bề bộn. anh T lúi húi dọn dẹp một mình còn vợ nằm ườn xem ti vi, anh có nhắc nhở nhẹ nhàng vợ, M miễn cưỡng cầm cái chổi lau nhà, đưa đi đưa lại hời hợt như phường chèo, miệng không ngừng kêu ca: “Gớm! em bảo rồi, thuê mấy bà đồng nát lau nhà cho, cần gì động tay động chân cho mệt. Hay là anh tiếc rẻ dăm ba đồng bạc. Để em trả tiền đồng nát”, rồi cô vợ mặt mày nhăn nhó vẻ nặng nhọc.
Anh T muốn chủ nhật, hai vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, hoạt động một chút cho thư giãn, mà cũng toàn việc nhẹ nhàng nhưng M đây đẩy từ chối. Thời gian M kêu ca đủ dọn dẹp xong cả khối công việc, cô ấy càng nói càng khó nghe dù giọng vẫn đều đều. Thấy vợ nói nhiều trong khi làm việc hời hợt, anh T cáu nhặng lên, hai vợ chồng cãi nhau. M lôi cái vali ở góc nhà, xếp quần áo đòi về nhà mẹ đẻ.
Lần công ty mở tiệc liên hoan về muộn, M gọi giục tới tấp, ngại với đồng nghiệp T tắt máy. Lúc về đến nhà thấy vợ mắt sưng húp, một tay vali, một tay cầm chìa khóa cửa chờ đợi. M nức nở, nào là anh không coi đây là cái nhà nữa, không coi chị là vợ nữa, chị chẳng có vị trí nào trong cái nhà này, chị đi trả lại anh cuộc sống độc thân tự do tự tại, muốn làm gì thì làm.
Lúc ấy sẵn hơi men trong người, về định bụng xin lỗi vợ rồi nhưng thấy cô ấy nói nhiều quá đâm ức chế, hai vợ chồng cãi nhau ỏm tỏi. Hôm ấy, cô ấy bắt taxi về nhà mẹ đẻ ngay giữa lúc 12 giờ đêm. Cả đêm T mất ngủ vì vừa lo cho vợ, phần nữa do điện thoại bố mẹ vợ gọi sang.
Hễ chuyện gì xảy ra, trong bất cứ sự tranh cãi nào cũng dẫn đến việc cô ấy đòi ly dị và về nhà ngoại. Thậm chí M còn in sẵn cả đống đơn ly hôn, hễ có xung đột là mang ra dọa dẫm, khống chế T. Quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại, lần này anh T là người chủ động gửi đơn ly hôn để chấm dứt cuộc sống ngột ngạt của hai vợ chồng.
Chính M cũng bàng hoàng, không ngờ chồng chị là người chủ động gửi đơn lên tòa án. Trước khi nghe kết luận cuối cùng của tòa, chị M mới lột bỏ bộ mặt lạnh lùng, khóc bù lu bù loa, nói anh T “độc ác, tồi tệ, bỏ rơi người vợ hiền, đảm đang” như chị.
Tòa xử anh T và chị M ly hôn đúng theo nguyện vọng của anh T. Anh trở về nhà, còn lại cô vợ đỏng đảnh ngồi khóc lóc, không ngừng trách anh bạc bẽo, vô tình mà quên rằng kết quả bi thảm thế này một phần lớn là do lỗi của chị.